“Viêm thanh quản mạn tính có rất nhiều thể: Thể xuất tiết, các trường hợp viêm teo thanh quản, hạt xơ dây thanh… và điều trị cần kiên trì kết hợp giữa nội khoa và ngoại khoa. Việc điều trị viêm thanh quản mạn tính cần đáp ứng được 3 mục tiêu: Thứ nhất là giảm đau, kháng viêm; Thứ hai là phục hồi độ đàn hồi của dây thanh âm từ đó giảm nhanh triệu chứng khàn tiếng mất tiếng do viêm thanh quản; Thứ ba là tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Để điều trị viêm thanh quản, trước tiên người bệnh cần hạn chế nói, sử dụng các công cụ hỗ trợ như micro, dụng cụ tăng âm, uống nước đầy đủ,... Ví dụ giáo viên không thể bỏ nghề thì cần thay đổi phương pháp giảng dạy, giảm bớt thuyết trình, thay vào đó cần lấy học sinh làm trung tâm, kích thích để học sinh tự phát biểu xây dựng bài, giảng dạy thông qua hình ảnh,...
Về sử dụng thuốc, người bệnh có thể dùng thuốc theo chỉ định như thuốc chống viêm, giảm phù nề, điều trị các bệnh viêm đường hô hấp trên đi kèm, bệnh dạ dày… Tuy nhiên, các thuốc này chỉ được dùng trong những đợt điều trị cấp và có điểm hạn chế là không cải thiện được triệt để tình trạng khàn tiếng, mất tiếng với những bệnh nhân viêm thanh quản mãn tính tái phát nhiều lần.
Các phương pháp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) chỉ áp dụng với những trường hợp viêm thanh quản do hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh. Đặc biệt, người bệnh cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, áp dụng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý”.